Kinh doanh bất cứ mặt hàng nào cũng vậy, giá nhập một sản phẩm để bán trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… nên bằng một nửa giá bán lẻ, hoặc thấp hơn càng tốt.
Giá ở đây chính là giá bán thật sự, chứ không phải giá niêm yết.
Ví dụ về sản phẩm bao tay chơi game. Giá sỉ trên Alibaba là 0.08$ cho 1 đôi, về tới Việt Nam, mức giá gốc sẽ giao động trong khoảng 2,5k một sản phẩm. Bạn cần bán ít nhất 5-6k cho sản phẩm này mới đảm bảo có lời.
Nhưng để bán được mức giá 5k, bạn nên thiết lập giá niêm yết là 10k. Sau đó, áp dụng mã giảm giá 50% xuống còn 5k. Bạn hãy thử quan sát 5 trang đầu kết quả tìm kiếm Shopee xem, có sản phẩm nào mà không giảm giá đâu?
Nếu bạn muốn một người xa lạ trở thành khách hàng quen của mình, bạn phải hiểu rõ hành vi mua hàng của họ.
Đầu tiên, họ sẽ phát sinh nhu cầu, sau đó gõ tên sản phẩm trên thanh tìm kiếm. Từ đây, họ bắt đầu chọn lựa chọn sản phẩm dựa theo những tiêu chí sau: Hình ảnh sản phẩm đẹp -> giá tốt -> mức sale -> lượt bán -> đánh giá -> tỷ lệ phản hồi, lượt theo dõi.
Tất nhiên hành vi và thói quen lựa chọn của mỗi khách hàng là không đồng nhất. Nhưng nếu ai cũng có nhãn giảm giá màu vàng rực rỡ mà bạn thì không, sản phẩm của bạn sẽ trông kém hấp dẫn hơn rất nhiều.
Thiết lập giá bán hấp dẫn trên Shopee đảm bảo lợi nhuận.
Giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng đơn hàng, doanh thu và biên lợi nhuận. Chỉ một thay đổi nhỏ về giá cũng tạo ra ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Về mặt lý thuyết, định giá sản phẩm là việc người bán xác định mức giá bán hấp dẫn và cạnh tranh cho sản phẩm của mình trên Shopee.
Có 3 phương pháp định giá chính:
- Một là định giá dựa trên chi phí hay lợi nhuận ký vọng.
- Hai là định giá dựa trên giá trị – bao gồm cả sản phẩm và giá trị thương hiệu.
- Ba là định giá cạnh tranh.
Ở phương pháp đầu tiên, bạn sẽ tính toán toàn bộ số tiền đã chi ra để nhập hàng, quản lý kho, chi phí vận chuyển, nhân công… để biết điểm hoà vốn của mình. Sau đó, cộng thêm mức lợi nhuận mong đợi để tạo giá bán sau cùng.
Với phương pháp thứ hai, sau khi tính được mức giá mong muốn, bạn bổ sung thêm các yếu tố liên quan đến giá trị hàng hoá như tính năng sản phẩm, dịch vụ kèm theo,… rồi định một mức giá cao hơn thông thường.
Còn ở phương pháp định giá cạnh tranh, bạn sẽ xem xét mức giá sản phẩm của đối thủ, rồi xác định mức giá thấp hơn hoặc ngang bằng tuỳ theo tình hình của thị trường và chiến lược bán hàng của bạn.
Trong bài viết này, ta sẽ đi sâu vào phương pháp định giá dựa trên chi phí. Đây là cách định giá phù hợp với nhà bán lẻ mới lập nghiệp trên Shopee. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là:
Có phải lúc nào giá thấp sẽ bán được nhiều hơn?
Câu trả lời là KHÔNG!
Không phải người tiêu dùng nào cũng thích giá rẻ. Bởi lẽ, trong tiềm thức người Việt, chúng ta thường nghĩ “tiền nào của đó” hoặc “của rẻ là của ôi”.
Mọi người thường có một mức giá “ngầm hiểu” ở một ngưỡng mà họ cho là hợp lý. Ví dụ, các bà mẹ trẻ cho rằng sữa bột cho bé phải từ 300k – 500k mới là sản phẩm chất lượng. Nếu bán với mức giá thấp hơn, khả năng cao là khách hàng đánh giá sản phẩm của bạn không tốt.
Chưa kể, giá rẻ hơn thị trường còn khiến khách hàng nghi ngờ chất lượng sản phẩm. Họ sẽ tự hỏi phải chăng đây là hàng lỗi, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả hay tệ hơn là lừa đảo,… và tất nhiên, họ sẽ ngần ngại chốt đơn.
Giá rẻ không giúp shop bán nhiều hơn
Như bạn có thể thấy, dù cả hai shop cùng bán một sản phẩm, một thương hiệu, một dung tích, nhưng mức giá lại chênh lệch 37,5%. Điều ngược đời là ở shop đầu tiên, nơi có giá cao hơn, số lượng bán ra cao gấp 5 lần shop còn lại.
Lý do vô cùng đơn giản. Watson Việt Nam là công ty con của A.S Watsons Group được thành lập năm 1981 tại Hồng Kông. Hiện tại Watsons có hơn 7.800 cửa hàng trên khắp thế giới. Vậy nên dù sản phẩm của họ giá niêm yết cao, người mua vẫn sẵn sàng giao dịch. Họ cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng từ các thương hiệu uy tín. Đồng thời, họ hy vọng nhận được dịch vụ khách hàng tốt tương xứng.
Vậy mới nói, là một người mới gia nhập thị trường, vốn mỏng, kinh nghiệm không nhiều, nếu bạn quyết định cạnh tranh bằng giá, khả năng chiến thắng là rất thấp.
>>> Trọn bộ Template trang trí gian hàng Shopee /Lazada có sẵn cho bạn
>>> Video hướng dẫn tự thiết kế mẫu template Shopee trang trí gian hàng